Ùn tắc ngay trong phố cổ - tuyến phố chỉ dành cho đi bộ
Một
thực tế đang diễn ra tại 6 tuyến phố đi bộ đó là hàng quán kinh doanh tự phát
quá nhiều đang lấn chiếm hết diện tích vỉa hè, lòng đường gây bức xúc cho người
dân. Thậm chí vào giờ cao điểm, các con đường đi bộ này cũng tắc nghịt như các
tuyến phố khác.
Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống tại phường Hàng Buồm,
quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc phản ánh việc con phố đi bộ Lương Ngọc Quyến
đang bị “bức tử” bởi hàng trăm quán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống cả
lòng đường.
Theo đó, kể từ khi có quyết định hình thành 6 tuyến phố đi bộ
trong phố cổ nhằm phục vụ nhân dân và du khách tham quan, khám phá phố cổ Hà Nội
về đêm. Vào 3 ngày cuối tuần, cứ đến 19h, phố Lương Ngọc Quyến bắt đầu được chặn
rào chắn và nghiêm cấm việc đi xe máy, ô tô vào bên trong.
Người dân sinh sống tại đây cũng phải ngưng sử dụng phương tiện
tham gia giao thông, những người có xe máy, ô tô đều phải đem gửi tại bãi xe miễn
phí dưới chân cầu Chương Dương rồi đi bộ về nhà. Hầu hết người dân đều đồng
tình với chủ trương hình thành phố đi bộ dù việc đi lại có gặp khó khăn.
Người dân ở phố Lương Ngọc Quyến phải gửi xe ở gầm cầu Chương
Dương rồi đi bộ về nhà vào các ngày cuối tuần
Phố đi bộ Lương Ngọc Quyến tràn lan hàng quán kinh doanh
Tuy nhiên, nhiều người bức xúc phản ánh việc hình thành phố đi bộ
nhưng lại để tình trạng kinh doanh hàng quán vô tội vạ, lấn chiếm vỉa hè, tràn
xuống cả lòng đường khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Chưa kể đến
việc kinh doanh trong môi trường chật trội, thiếu nước vệ sinh và không có giám
sát, quản lý về an toàn thực phẩm sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường
Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây khó khăn cho tuyến phố đi bộ
và mất mĩ quan đô thị
Đặc biệt, có trường hợp người dân sinh sống trong phố có người nhà
đi cấp cứu, do tình trạng kinh doanh vỉa hè tràn lan, nên xe cấp cứu mất nhiều
thời gian để vào đón bệnh nhân. “Bố tôi 87 tuổi, rất nhiều lần đi cấp cứu rồi
và đã được hưởng thụ cái tốc độ rùa bò của xe cấp cứu vì họ không tìm được đường
vào, và khi vào họ phải vất vả để đi ra. Ngay đến người trẻ cũng có khi cần cấp
cứu nếu cứ để tình trạng này diễn ra sẽ rất nguy hiểm”, anh M.P.T sống ở phố
Lương Ngọc Quyến cho biết.
Xe của công an phường đi tuần thường xuyên nhưng không ngăn chặn được tình trạng kinh doanh tràn lan ở phố đi bộ
Ghi nhận thực tế của phóng viên tại phố Lương Ngọc Quyến cho thấy,
từ khoảng 18h hằng ngày, các hàng quán đã bắt đầu kê bàn ghế, dựng biển hiệu, rạp
che để tiến hành kinh doanh trên con phố này. Hầu hết hàng quán đều mang tính tự
phát kinh doanh đồ uống và đồ ăn nhanh, 1 số quán phở cũng hình thành. Mặt hàng
tiêu thụ mạnh nhất tại đây là bia hơi vỉa hè, giá rẻ thu hút lượng lớn khách Việt
và khách nước Ngoài.
Do không được quản lý chặt chẽ nên các hàng quán lấn chiếm hết phần
vỉa hè của người đi bộ và tràn xuống cả lòng đường. Lượng khách lớn lại thêm
các nhân viên phục vụ đi lại nên dễ dàng nhận thấy cả con phố đi bộ thực chất
đang biến thành “phố kinh doanh”. Rất ít người đi bộ quanh khu phố để ngắm cảnh
mà chủ yếu đi bộ tới các hàng quán để tìm cho mình một chỗ ngồi vì với lưu lượng
người đông đi lại ngược xuôi như vậy việc di chuyển sẽ rất khó khăn.
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân
Hùng - Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cho hay, Cuối năm 2013, UBND quận
Hoàn Kiếm và TP Hà Nội đã có chủ trương mở rộng không gian đi bộ theo đề án
143.
Ngày 30/12/2013, phía quận Hoàn Kiếm đã giao cho Công ty Cổ phần Đồng
Xuân điều hành tuyến phố đi bộ đồng thời giao cho các phường sở tại tuyên truyền
rộng rãi trong quần chúng và cho lực lượng phối kết hợp cùng Công ty cổ phần Đồng
Xuân quản lý phố đi bộ.
Ông Hùng cho biết rằng, sau khi triển khai phố đi bộ đã mang lại
nhiều hiệu quả rõ rệt như việc nâng cao môi trường, cảnh quan đô thị và thu hút
được nhiều khách tham quan, du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng thừa nhận việc hàng quán kinh doanh lấn
chiếm vỉa hè, lòng đường đang xảy ra. “Phố đi bộ còn nhiều hộ kinh doanh tự
phát, mặt hàng bán chưa đặc sắc và vấn đề vệ sinh chưa tốt”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo phường Hàng Buồm khẳng định trong thời gian tới sẽ phối hợp
cùng Công ty cổ phần Đồng Xuân cho lực lượng tiến hành kiểm tra, rà soát lại
các hộ kinh doanh và tiến hành họp các hộ kinh doanh để có sự quản lý quy củ,
chặt chẽ.
Tâm sự của chị Thảo ( người dân sống tại Hàng Buồm): Rất mong việc
này sẽ được các cơ quan chức năng tìm cách sử lý, đem lại sự bình yên cho phố cổ.
Đừng biến phố cổ trở thành khu chợ trời nhộn nhịp nhất Hà Nội.
Theo ý kiến cá nhân : khi đi chơi phố cổ các hàng quán cũng là điểm
thu hút khá nhiều khách, tuy nhiên hãy là các sản phẩm mang bản sắc Việt chứ đừng
là bia, rượu, đồ ăn nhanh của nước ngoài.... Như thế khác nào ta đang đánh mất
phố cổ của mình. Hãy mang đến phố cổ những món hảo hạn các loại bánh trái đặc
trưng dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Nguồn dantri.com.vn - Lê Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét